Nguồn gốc của thành công

Nguồn gốc của thành công

Chuyện xưa kể lại rằng, vào những năm cuối của thế kỷ XIX, nhiều người Do Thái ở Pháp hay truyền tụng nhau một câu chuyện với nội dung như sau: Vào buổi sáng của một ngày, có hai cô bé đùa nghịch với nhau ngoài ban công. Lúc đó trong nhà rất tối, nhưng ở bên ngoài thì ánh nắng ban mai tỏa sáng khắp nơi. Vì thế, hai cô bé bảo nhau tìm cách đưa ánh sáng vào trong nhà. Thế rồi một cô bé vội vàng lấy vạt áo gói ánh sáng lại rồi nhanh chân chạy vào phòng, lúc mở vạt áo ra chẳng thấy gì, trong nhà vẫn tối.

Cô bé kia lấy cái gáo bước ra lan can và làm động tác múc ánh sáng rồi lại ba chân bốn cẳng chạy vội vào trong phòng và đổ gáo ra, nhưng vẫn chẳng thấy tí ánh sáng nào. Trong phòng khi đó vẫn tối om và hai cô bé đã làm đi làm lại nhiều lần như vậy, song ánh sáng mặt trời cứ lỳ ra, không chịu chiều ý hai cô bé này. Trong khi đó, bà mẹ vẫn say sưa theo dõi trò chơi của hai cô con gái. Lúc thấy các con đã mệt bà mới lên tiếng: Các con có biết tại vì sao mà ánh sáng mặt trời không chịu vào trong phòng nhà mình không?

Nghe mẹ hỏi vậy, hai cô bé đều trả lời không biết.

Ngay lúc đó, bà mẹ ngọt ngào giải thích rằng: Ông mặt trời sợ bóng tối đấy. Các con hãy mở toang cửa phòng ra, ông mặt trời sẽ vào ngay. Các con phải mở đúng cửa, mở cái cửa to rộng nhất mới được. Mở nhầm cửa bé là ông mặt trời không vào được đâu.

Xem thêm:  Danh tướng kiệt xuất

Hai cô bé nghe lời mẹ và làm theo. Quả nhiên căn phòng đang tối bỗng rực sáng. Thì ra sự thành công trên đường đời nhiều khi là do phải biết “mở cửa” và quan trọng hơn nữa là phải biết “mở đúng cửa”.

Từ câu chuyện trên cho ta thấy, tấm lòng thương yêu của bà mẹ có ảnh hưởng rất lớn đối với sự trưởng thành của con cái. Vì vậy, là người làm cha, làm mẹ, chúng ta nên dạy dỗ con cái từ khi con còn nhỏ phải thật thà, không được dối trá. Và câu chuyện của người Do Thái dưới đây sẽ cho chúng ta hiểu thêm về điều này. Chuyện kể rằng, có một nhà tâm lý học người Mỹ gốc Do Thái đã làm một cuộc trắc nghiệm như sau:

Nhà tâm lý học này đã yêu cầu 50 vị nhân sĩ thành đạt và 50 phạm nhân trong nhà tù cho biết cách dạy dỗ của bà mẹ đã có ảnh hưởng đến cuộc đời của họ như thế nào. Trong số những lá thư trả lời, có hai bức thư được nhà tâm lý học kia rất chú ý: Đó là thư của một vị hiện đang là quan chức của chính quyền và thư của một phạm nhân đang ngồi trong tù.

Thư của người phạm nhân viết: “…Hồi còn nhỏ, một lần mẹ tôi chia táo cho hai anh em. Táo có quả to quả nhỏ. Mẹ tôi đã hỏi: Các con muốn lấy quả nào?

Tôi rất thích quả táo vừa to vừa đỏ hồng kia nhưng em tôi đã nhanh miệng tranh trước. Mẹ tôi lừ mắt mắng em tôi rằng: Con không biết nhường phần tốt cho những người khác, đó là tính tham lam, như vậy là không tốt.

Nói rồi mẹ quay sang hỏi tôi rằng con muốn lấy phần nào?

Tôi láu cá trả lời luôn: Con xin nhận quả nhỏ nhất ạ, còn quả to để nhường cho em ạ.

Mẹ tôi nghe thấy vậy tỏ vẻ hoan hỉ lắm. Bà đưa ngay cho tôi quả táo to hơn.

Từ đó tôi bắt đầu học được thói dối trá. Rồi tôi còn học được cả cách dùng quả đấm, ăn cắp hoặc cướp giật để cưỡng đoạt thứ mình muốn. Thủ đoạn nào tôi cũng chơi được hết. Rồi tới ngày tôi bị bắt vì phạm tội hình sự và bị kết án tù.

Trong khi đó, thư của vị quan chức Nhà Trắng cho biết, mẹ ông đã chia phần quà to nhỏ, nhiều ít cho mấy anh em ông dựa vào thành tích lao động giúp việc nhà như nhổ cỏ, lau sàn nhà, phụ bếp… Nhờ đó ông đã có thói quen mang hết sức ra lao động để đạt được cái mình muốn.

Lời bàn:

Câu đầu tiên trong Kinh thư, thánh hiền xưa đã viết “Nhân chi sơ; tính bản thiện”. Điều này có nghĩa là con người ta sinh ra vốn đã là thiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết “Ngủ thì ai cũng như lương thiện; Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền”. Và Người cũng đã khẳng định: “Hiền” hay “dữ” là do giáo dục mà nên. Điều này cho đến nay không ai có thể phủ nhận. Bởi cổ nhân xưa cũng đã dạy rằng: “Nhân bất học bất tri lý”. Điều này có nghĩa là người không có học, nói đúng hơn là người mà không có được sự dạy dỗ, chỉ bảo… của người lớn, người có hiểu biết thì khó trở thành người tốt, người có ích cho gia đình và xã hội.

Xem thêm:  Lời chúc Tết cho bạn trai hay cảm động và ngọt ngào nhất không thể bỏ qua

Từ hai giai thoại trên một lần nữa cho chúng ta thấy rõ vai trò của người làm cha, làm mẹ và những người thân trong việc giáo dục con em mình. Trong đó, người mẹ giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà trong dân gian có câu thành ngữ “Con hư tại mẹ…”. Vẫn biết rằng câu thành ngữ ấy không hoàn toàn đúng. Bởi trong việc giáo dục con cái không thể không có vai trò của người cha. Song, điều mà không ai có thể phủ nhận là ở đâu có tình thương yêu, ở đó sẽ có những người tốt, những người thành đạt. Nói chính xác hơn, tình yêu thương là nguồn gốc của thành công.

Theo Truyengiaoduc.com


Bài viết liên quan