Một cũng là đủ

Một cũng là đủ

Phan Bội Châu sinh năm 1867 và mất năm 1940. Ông có biệt hiệu là Sào Nam, quê ông ở làng Đan Nhiệm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ ông theo học chữ Hán và rất thông minh, mới tám tuổi đã làm được những bài văn ngắn và đậu đầu một số kỳ thi ở phủ, huyện. Mười ba tuổi, ông đã thành thạo các thể văn cử tử. Năm ba mươi tư tuổi, ông đỗ Giải nguyên và nổi tiếng là hay chữ.

Ông hoạt động cách mạng từ rất sớm, từng xuất dương qua Trung Quốc, Nhật Bản để lo liệu cho công cuộc cách mạng ở trong nước. Về sau, ông bị Pháp bắt rồi bị giam lỏng tại Huế cho đến lúc mất. Trong quãng đời hoạt động cách mạng của mình, Phan Bội Châu đã từng viết rất nhiều thơ văn yêu nước để cổ động phong trào cách mạng và vạch trần tội ác của thực dân Pháp.

Từ thuở thiếu thời, ông đã sớm có lòng yêu nước. Năm 17 tuổi, ông viết bài “Hịch Bình Tây Thu Bắc” rồi đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc kỳ khởi nghĩa kháng Pháp. Năm 19 tuổi – 1885, ông cùng với người bạn là Trần Văn Lương lập đội “Sĩ tử Cần Vương” (hơn 60 người) chống Pháp, nhưng bị đối phương kéo tới khủng bố nên phải giải tán.

Ông rất ghét cái học cử nghiệp và vẫn thường ngâm hai câu thơ trong sách Tùy Viên: Túc dạ bất vong duy trúc bạch; Lập thân tối hạ thị văn chương. Nghĩa là: Khuya sớm những mong ghi sử sách; Lập thân hèn nhất ấy văn chương. Thế nhưng ông vẫn phải buộc lòng theo con đường khoa cử, để kiếm chút danh vọng cho dễ ăn nói với đời và dễ hoạt động.

Xem thêm:  Vua sáng gặp tôi hiền

Tuy học giỏi, nhưng đường thi cử của ông thì lại rất long đong. Phải sáu lần thi Hương ông mới được treo tên trên bảng. Chính vì vậy, đối với những người cùng cảnh ông rất thông cảm. Người đời còn truyền lại câu chuyện tặng thơ của ông như sau: Bấy giờ, có nhà nho Trần Quý Cáp quê ở Quảng Nam, nhà nghèo học giỏi, mà thi cử hỏng hoài. Trần Quý Cáp thi bốn khoa mới đỗ Tú tài. Khoa Quý Mão – năm 1903, đời vua Thành Thái, Trần Quý Cáp vào trường nhất, trường nhì đều ưu cả nhưng đến trường ba thì trượt. Lúc đó, Phan Bội Châu đã đậu Thủ khoa rồi, đang đàng hoàng ngồi làm bài ở trường Giám trong kinh. Thấy cảnh ngộ của Trần Quý Cáp cũng long đong về đường khoa cử như mình trước kia, Phan Bội Châu bèn đến thăm. Trong lúc đàm đạo, nhân biết Trần Quý Cáp cũng là người khảng khái, có lòng với nước với dân nên Phan Bội Châu có làm tặng Trần Quý Cáp một bài thơ chữ Hán và được tạm dịch như sau:

Tớ trước như người lệ nhỏ đầy; Người nay gặp tớ gượng tươi mày. Bọn ta say tỉnh hai tròng mắt; Cờ thế hơn thua một cuộc xây. Trời đất có lòng nuôi sức khỏe; Non sông không nói mỉa người ngây. Thôi đành rót rượu cùng trăng uống; Mai trổ rừng đông lọ biết ai?

Xem thêm:  Đánh thuế ruộng tư

Trần Quý Cáp đọc thơ rất cảm thái, sau đó hai người thành đôi bạn chí thiết…

Tương truyền, Phan Bội Châu khi còn trai trẻ, có lần sang làng Xuân Hồ hát phường vải, bị bên gái hỏi như sau: Sách rằng Nghiêu hữu cửu nam; Biết Đan Chu là một, hỏi tám chàng tên chi? Phan Bội Châu vò đầu gãi tai mãi mà không biết trả lời ra sao, vì khi học Bắc sử chỉ thấy sách chép vua Nghiêu có chín con trai, người đầu là Đan Chu, chứ tám người kia có thấy ghi tên đâu. Sau bí quá, Phan Bội Châu đành phải đánh trống lảng bằng cách láu lỉnh vặn lại rằng: Các em là phận nữ nhi; Một Đan Chu cũng đủ, hỏi mần chi những tám người?

Thế là Phan Bội Châu đã chuyển bại thành thắng, chẳng những gỡ được thế bí mà còn quay lại tấn công nữa, làm cho cô nào cô nấy thẹn chín người. Và rồi lại đến lượt các cô đâm ra lúng túng không tìm được câu trả lời.

Lời bàn:

Từ giai thoại trên cho thấy, Phan Bội Châu là một người cực kỳ thông minh. Nhưng đó không phải là điểm nổi bật của ông. Mà với Phan Bội Châu, trước hết và trọn vẹn đó là một nhà Nho yêu nước lớn nhất của Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XX. Và Phan Bội Châu không chỉ là linh hồn của phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX mà còn là nhà văn hóa lớn của dân tộc. Ít ai có thể viết nhiều sách đủ thể loại và nhiều giá trị như ông ở thời điểm đó: Việt Nam vong quốc sử, Tự phán (tức Phan Bội Châu niên biểu), Xã hội chủ nghĩa, Khổng học đăng, Phạm Hồng Thái truyện… và nhiều tác phẩm về văn, thơ đủ thể loại, viết chủ yếu bằng chữ Hán. Vậy mà trong hai lần viết tự thuật, Phan Bội Châu đều rất khiêm nhường khi nói về mình: “Than ôi! Bao nhiêu năm bôn tẩu, mưu tính trăm việc mà không nên một việc gì, nghĩ mình lỗi nặng, tội nhiều…” (Ngục trung thư), “Than ôi! Lịch sử của tôi là lịch sử một trăm lần thất bại mà không một thành công” (Phan Bội Châu niên biểu).

Xem thêm:  Những câu nói hay về con gái thời nay được dân mạng chia sẻ nhiều nhất

Song, chính từ những thất bại của Phan Bội Châu là bài học vô cùng quý giá để hậu thế tìm đến với những thành công vĩ đại. Và Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nhìn thấy rõ nhất nguyên nhân thất bại của Phan Bội Châu và cũng chính Người đã đốt lên ngọn lửa sáng chói nhất của tình yêu nước – một tình yêu nước gắn kết với yêu dân. Đây chính là động lực dẫn đến thành công cho cách mạng, mà trước hết là cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, cuộc đời, sự nghiệp và văn chương của Phan Bội Châu đã trở thành lịch sử, nhưng đó là một lịch sử vẫn còn nguyên tính thời sự không chỉ đối với các thế hệ hôm nay mà còn mãi mãi về sau.

Theo Truyengiaoduc.com


Bài viết liên quan