Khí phách Đại Việt

Khí phách Đại Việt

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, trước khi chuẩn bị kéo quân sang Đại Việt, Tôn Sĩ Nghị đã đưa thư báo các tướng lĩnh biết rằng: Người nào bắt sống được Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đem nộp sẽ được công đầu. Tướng Tây Sơn là Ngô Văn Sở liền cho thảo một bức thư ký tên Sùng nhượng công Lê Duy Cẩn, rồi cho Nguyễn Nha đưa đến Tôn Sĩ Nghị xin hoãn binh, với những lời lẽ thật mềm dẻo, nhưng lại có những cảnh báo cho quân Thanh thấy rằng, nếu đem quân vào, nhân dân Đại Việt đã thực hiện vườn không nhà trống, quân đội thì sẵn sàng và kiên quyết đánh giặc. Nội dung bức thư có đoạn viết:

Hiện nay, trong nước tôi đột nhiên nghe tin quân Thiên triều sắp qua cửa ải… Lính thì sợ vướng víu vào nghịch án nên họ bảo nhau rằng: Không đánh lại thì bị giết sạch! Dân thì sợ không lấy gì cung ứng cho quân lương nên họ bảo nhau rằng: Không trốn tránh thì bị chết hết! Vì thế, quân các đạo đều tranh nhau đến nơi đồn lũy, dân các xứ đều xô nhau tìm vào nơi núi rừng… Nhưng Tôn Sĩ Nghị bác bỏ thư của Ngô Văn Sở rồi cho quân vượt trấn Nam Quan vào Đại Việt.

Sau khi quân Thanh chiếm đóng Thăng Long, vua Quang Trung đã sai Trần Danh Bính dẫn đầu một sứ bộ gồm 18 người đến Thăng Long đưa cho Tôn Sĩ Nghị ba đạo bẩm văn. Một đạo nhân danh giám quốc Lê Duy Cẩn, một đạo nhân danh quần thần văn võ, một đạo nhân danh nhân dân xin Tôn Sĩ Nghị đóng quân ở trấn Nam Quan để tra xét nội tình nhà Lê và Tây Sơn từ trước đến giờ. Vua Quang Trung còn đem nộp cho Tôn Sĩ Nghị những tuần dương binh là nhóm Hắc Thiên Tôn gồm 40 người do Ngô Hồng Chấn tướng Tây Sơn bắt được từ trước. Thế nhưng Tôn Sĩ Nghị xem bẩm văn liền xé phăng ngay rồi sai đem sứ giả Trần Danh Bính ra giết. Sau đó, Tôn Sĩ Nghị cho truyền hịch đi các nơi kể tội quân Tây Sơn, báo cho mọi người biết, quân Thanh sẽ đánh thẳng vào Quảng Nam bắt sống “bọn Nguyễn Huệ” mới thôi.

Xem thêm:  Hót hòn họt những câu nói hay để tán gái thu hút ngàn like

Về phần mình, ngay từ khi kéo quân đến Tam Điệp trên đường ra Thăng Long đánh quân Thanh, Vua Quang Trung đã tính đến việc giảng hòa với nhà Thanh sau khi thắng trận. Khi kéo quân vào Thăng Long, ông đã ra lệnh cấm giết bại binh Thanh mỗi khi bắt được. Nhà vua lại cho phép quân Thanh được ra thú. Nhờ chính sách khoan hồng này, số quân Thanh được giải về Thăng Long có hơn 800 người, họ đều được cấp lương và quần áo. Trước khi trao trả cho nhà Thanh, vua Quang Trung ra một tờ chiếu dụ chúng, với lời lẽ chính nghĩa đanh thép, đầy tự hào mà chí tình chí lý:

Việc quân là cái độc của thiên hạ. Gặp giặc thì giết, lẽ đó là thường. Bắt được mà tha, xưa chưa từng có. Trẫm theo lẽ trời và thuận lòng người, nhân thời cách mệnh, lấy việc binh nhung mà định thiên hạ. Việc Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị nhà các ngươi sức hèn tài mọn, không biết tự lượng, đem hai mươi chín vạn quân sang cửa quan, vượt suối trèo non, vô cớ xông vào chỗ hiểm nguy để gây binh hấn, khiến cho các ngươi, một lũ dân đen vô tội phải nằm sương gối tuyết và chết ở hòn đạn mũi tên. Đó là tội của Tổng đốc nhà các ngươi. Trẫm trỏ cờ lệnh, chỉ trong một trận, quét sạch các ngươi như kiến cỏ; kẻ đã chết trận xương chất thành núi. Những kẻ trận tiền bị bắt, hoặc thế bách xin hàng, đáng lẽ phải thiết quân luật mà chém ở pháp trường. Song vì thể tấm lòng hiếu sinh của thượng đế và lấy tấm lòng bao dung, trẫm tha tính mạng cho các ngươi và cho các ngươi được sung vào các hàng quân hoặc cấp lương hướng cho, để các ngươi khỏi bị khổ kẹp cùm, đánh đập. Đấng vương giả coi bốn bể như một nhà, các ngươi nên thể lòng trẫm mà bỏ sự ngờ sợ để báo ơn trẫm.

Xem thêm:  Lưỡng quốc quốc sư

Khi đem những tù binh này trả về Trung Quốc, Vua Quang Trung có viết cho biên thần ở tỉnh Quảng Tây là Thang Hùng Nghiệp bức thư, trong đó có đoạn: Trượng phu làm việc bao giờ cũng minh bạch, không giết kẻ đã xuống ngựa xin hàng, nên đối với họ tôi đã nhất nhất thu nuôi cả. Nay đã điều tra cẩn thận thì số quan quân hiện còn ở quốc đô vào hơn 500 người. Nay tôi giao cho bồi thần đem đến cửa ải nộp trả.

Lời bàn:

Trong lịch sử các triều đại phong kiến ở Việt Nam, Quang Trung là một vị vua văn võ toàn tài, là người mang bản sắc đặc biệt không chỉ riêng với dân tộc Việt Nam mà của cả thế giới. Và không hề gượng gạo hay quá đáng khi ông được người đương thời cũng như hậu thế ngày nay tôn vinh là người anh hùng dân tộc, một chính trị gia lỗi lạc, một nhà cải cách xuất chúng, một vị thánh… vì chỉ có ông mới xứng đáng với những ngôn từ ấy. Về quân sự, ông là một vị tổng chỉ huy tài ba, là người trực tiếp vạch kế hoạch tác chiến, vừa tổ chức quân sĩ, tự mình thống lĩnh một đạo quân thân chinh cưỡi voi đi đốc thúc, xông lên phía trước… Một vị hoàng đế quyết hy sinh tính mạng để giành lại vận mệnh dân tộc là một hình ảnh cao đẹp về sự quên mình vì nghĩa lớn.

Chưa hết, vương triều Tây Sơn nói chung và vua Quang Trung nói riêng, không chỉ gắn liền với những võ công hiển hách trong kháng chiến chống xâm lược mà còn để lại những trang sử ngoại giao vẻ vang, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống ngoại xâm và bảo vệ độc lập dân tộc thời ấy. Đó là tư tưởng ngoại giao chủ động, dựa trên sức mạnh chính nghĩa và thực lực của dân tộc, vừa kiên quyết lại vừa mềm dẻo; linh hoạt, khôn khéo, đồng thời biết giữ “thể diện” cho nước lớn. Tư tưởng ngoại giao đặc sắc thời Tây Sơn còn để lại nhiều bài học lịch sử quý giá cho hậu thế.

Theo Truyengiaoduc.com


Bài viết liên quan