Bài học đoàn kết

Bài học đoàn kết

Khoa La là tên một con vẹt, mỏ nó vừa đẹp vừa linh hoạt. Nó có thể mổ châu chấu trong các bụi cỏ rất là tự nhiên. Nó thấy loại côn trùng xanh này ngọt và ngon nên sau mỗi lần chén no nê xong, nó bỏ những phần thừa vào một chỗ dự trữ. Chẳng bao lâu sau châu chấu không chịu cam phận. Chúng cũng muốn được sống tự do. Thế là chúng vùng dậy phản kháng. Để chống lại kẻ thù, chúng bí mật tổ chức một “liên minh châu chấu” và lên kế hoạch hành động cụ thể.

Hôm đó, vẹt Khoa La lượn một hồi lâu mà chẳng bắt được con châu chấu nào nên đành nhịn đói quay về. Hôm sau vẫn thế, vẹt Khoa La buộc phải dùng đến thức ăn trong kho dự trữ. Mấy ngày liền sau đó, vẹt Khoa La toàn không gặp may. Thức ăn dự trữ ngày một ít. Đến ngày kia, trong kho dự trữ chỉ còn lại 1 càng châu chấu. Vẹt Khoa La muốn để dành nhưng không được, nếu “không ăn thì không ngủ được”, nó tự nhủ. Cuối cùng nó ăn nốt càng châu chấu đó. Nhưng 1 chiếc càng châu chấu có thấm tháp gì! Bụng nó cứ sôi eo éo cả đêm.

Tờ mờ sáng hôm sau, vẹt Khoa La buộc phải đi kiếm mồi. Vì đói nên nó rất yếu, dù đi bộ hay bay trên không trung nó đều cảm thấy mệt rã rời. Nó đành phải nghỉ dưới một gốc cây. Bỗng vẹt Khoa La nghe thấy một âm thanh lạ: Bu chi chi… cưa chi chi… Bu chi chi… cưa chi chi… Nó nghĩ, có lẽ là bụng nó sôi thành tiếng, cứ ngủ cái đã, ngủ đi sẽ quên đói. Nhưng, bu chi chi… cưa chi chi… bu chi chi… cưa chi chi… Âm thanh lạ đó cứ kéo dài mãi. Vẹt Khoa La càng nghe càng khó chịu: Nó muốn đi chỗ khác nhưng nó thấy trời đất tối sầm lại. Ồ! Sao ta lại không nhìn thấy gì cả. Đây hẳn là bụng ta đang gào thét, nó muốn trả thù ta vì đã lâu ta không có gì cho vào bụng.

Lúc đó, vẹt Khoa La thấy phía trước hình như có một đám mây lớn đang bay lại. Đợi đám mây đó đến gần, vẹt Khoa La nhìn kỹ hóa ra đám mây là do rất nhiều con vật tạo thành. Đang buồn bực thì đám con vật kia bay tới, con thì đánh, con thì đạp, con thì đẩy, con thì cắn khiến vẹt ta vừa đau vừa ngứa không thể chịu nổi. Rồi bỗng dưng vẹt Khoa La kinh ngạc kêu lên: A! Trời ơi, đó là một đàn châu chấu. Đúng vậy, đàn châu chấu đông đúc bao vây vẹt Khoa La làm nó lóng ngóng và sợ hãi.

Để thoát khỏi vòng vây, vẹt Khoa La buộc phải nhảy từ chỗ nọ sang chỗ khác, từ cành cây này sang cành cây khác. Nhảy mãi, nhảy mãi sức nó cạn kiệt rồi “phộp” một tiếng nó rơi từ trên cây xuống. “Liên minh châu chấu” đã nghĩ ra cách đó. Vậy âm thanh lạ vẹt nghe lúc nãy là gì? Té ra châu chấu có thể vừa đạp vừa bay. Vì tất cả cùng đạp nên những đôi càng răng cưa phát ra tiếng “bu chi chi, cưa chi chi”. Chúng muốn dùng cách đó để uy hiếp kẻ thù trước. Lũ châu chấu quả là ghê gớm!

Đội quân châu chấu thấy vẹt Khoa La nằm bất động tưởng rằng đã chết nên tản đi. Kỳ thực vẹt Khoa La chỉ ngất đi thôi. Vài giờ sau gió mát mẻ thổi tới làm nó tỉnh lại. Lúc đầu nó vẫn ngỡ là một cơn ác mộng. Bốn bề im ắng, vẹt càng nghĩ càng tủi, hôm nay sao mà xúi quẩy thế không biết. Nó thấy cổ họng khô rát, thèm nước. Nó lê tới một dòng suối cạnh đó uống nước, ánh trăng phản chiếu trên dòng suối lấp lánh ánh bạc, thật giống một tấm gương.

Xem thêm:  Khước từ làm quan

Vẹt Khoa La soi mình vào dòng nước, nó giật mình và dường như không nhận ra mình nữa, mũi xanh mắt quầng, xấu xí quá! Lũ châu chấu thật đáng sợ, vẹt Khoa La tự nhủ, “nhưng ta chẳng phải có một cái mỏ vừa đẹp vừa linh hoạt sao”? Chẳng phải trước đây từng mổ châu chấu rất tự nhiên đó sao? Tại sao vừa nãy lại không phát huy tác dụng nhỉ”? Từ đó trở đi mỗi khi vẹt gặp châu chấu đều không dám mổ. Lúc đói nó kiếm vài cọng cỏ để ăn hoặc mổ những hạt quả mềm ăn nhân chứ không bao giờ dám mổ châu chấu để ăn thịt..

Lời bàn:

Từ nội dung của câu chuyện ngụ ngôn này mách bảo chúng ta điều gì? Kẻ yếu phải đoàn kết lại thì mới thắng được kẻ mạnh. Cũng như kiến tuy là loài vật nhỏ bé, yếu ớt nhưng không một “thế lực” nào có thể hủy diệt được, kể cả con người. Điều gì khiến chúng có sức tồn tại cao đến như vậy? Đoàn kết chính là sức mạnh lớn nhất của kiến, rất hiếm khi chúng ta thấy một vài con kiến đi lẻ, mà thay vào đó chúng thường đi theo đàn, vì vậy ít có kẻ nào dám bén mảng tới gần. Và suy rộng ra, đoàn kết là sức mạnh của nước nhỏ chống lại sự xâm lược của nước lớn. Lịch sử dân tộc ta cách đây 761 năm (năm 1258) đã chứng minh, một đất nước Đại Việt nhỏ bé nhưng khi toàn dân đoàn kết một lòng đã 3 lần đánh bại đội quân hùng mạnh nhất thời bấy giờ là đế quốc phong kiến Nguyên – Mông.

Như vậy, đoàn kết là đồng lòng, kết hợp thành khối, thành nhóm chặt chẽ. Chúng ta không phải “kẻ mạnh”, không có điều kiện hơn người thì phải cần cù chăm chỉ là tất nhiên và thêm vào đó là luôn luôn cố gắng tìm ra con đường đi đúng đắn cho mình, nếu tắc thì hãy chọn hướng khác, đừng bao giờ dừng lại. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đại đoàn kết dân tộc là nguồn gốc tạo thành sức mạnh toàn dân. Chính vì vậy, trong bản Di chúc của mình vấn đề mà Người đề cập đến trước hết và mong muốn cuối cùng cũng chính là vấn đề đoàn kết. Và Người khẳng định, đoàn kết là một truyền thống quý báu cần phải được nuôi dưỡng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Theo Truyengiaoduc.com


Bài viết liên quan